Nứt cổ gà là hiện tượng thường gặp ở bà mẹ đang cho con bú, với biểu hiện có vết nứt xuất hiện ở chân núm vú, đỏ tấy, có cảm giác đau rát khiến việc cho con bú trở nên khó khăn. Nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến bội nhiễm, gây đau đớn cho bà mẹ và và ảnh hưởng đến nguồn sữa cho bé.
1,Nguyên nhân
Nguyên nhân gây nứt cổ gà chủ yếu là do bà mẹ cho bé bú không đúng cách: Bé không ngậm hết quầng vú mà chỉ mớm hời hợt vào núm vú, mỗi lần bé mút, núm vú bị kéo, giật mạnh, lâu ngày gây vết nứt chân vú.
Mới đầu chỉ là một vết nứt nhỏ, nếu bà mẹ không vệ sinh đúng cách và điều trị kịp thời, vết nứt sẽ lan dài quanh chân núm vú, gây đau đớn cho mẹ và mất vệ sinh cho bé, thậm chí vết nứt có thể bị nhiễm khuẩn và mưng mủ.
Nguyên nhân chủ yếu nứt núm vú do mẹ cho bú chưa đúng cách
2, Phòng tránh hiện tượng ‘Nứt cổ gà’ như thế nào?
Cho con bú và chăm sóc vùng ngực đúng cách là biện pháp phòng tránh tốt nhất. Bạn cần thực hiện đúng và đủ các lưu ý dưới đây để có kết quả tốt nhất:
- Tráng nước sạch sau mỗi lần tắm.
- Không để da bị khô, nứt nẻ.
- Không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú.
- Mặc áo ngực vừa vặn, không mặc áo có gọng kim loại để dòng sữa đươc lưu thông dễ dàng.
- Vệ sinh trước và sau khi cho con bú bằng nước ấm cùng khăn mềm.
- Cho trẻ bú đều hai bên vú.
- Miệng của bé phải mở rộng để ngậm toàn bộ phần quầng vú và đầu vú.
- Không nên cho bé vừa ngủ vừa ngậm vì khi trẻ vừa bú vừa ngủ thường nhay, cắn vào đầu vú, có thể gây tổn thương dẫn đến viêm nhiễm đầu vú.
- Các mẹ nên chú ý đến việc vệ sinh ngực đúng cách và cho bé bú đúng cách để tránh bị nứt núm vú.
Cách phòng tránh khi mẹ bị cổ gà
3,Cách xử trí khi bị nứt cổ gà
Nếu đang cho con bú, bà mẹ cảm thấy đau rát, núm vú bị tấy đỏ, kiểm tra nếu thấy núm vú đã bị nứt, trước tiên cần ngừng cho trẻ bú, rửa sạch chỗ đau bằng nước muối loãng (nước ấm càng tốt) hoặc nước muối sinh lý, lau khô bằng khăn mềm sạch.
Sau đó bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn xử trí thích hợp để hạn chế vết nứt ngày càng đứt rộng và phòng tránh bội nhiễm.
Vắt sữa thường xuyên và vắt đúng theo các cữ để duy trì lượng sữa đầy đủ cho bé trong thời gian điều trị
Để tiếp tục duy trì nguồn sữa trong khi điều trị, bạn hãy vắt sữa thường xuyên vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Chỉ đến khi thực sự khỏi (vết nứt đã kín miệng, không tấy đỏ) bạn mới nên cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.
Mẹo nhỏ mách bạn
- Để giảm bớt cảm giác đau đớn, bạn có thể dùng lanolin hay mỡ lông cừu để thoa vào đầu vú sau khi cho con bú. Bạn cũng có thể dùng loại dược phẩm được chiết xuất từ mỡ lông cừu có tên Lansinoh hay PureLan sẽ đem lại hiệu quả tương tự. Cách làm này không chỉ giúp những tổn thương ở đầu núm vú mau chóng lành mà còn rất an toàn nếu bé có thể bú vào, bạn cũng không cần phải rửa vú trước khi cho bé bú.
- Bạn cũng có thể dùng chính những giọt sữa của bạn để thoa nhẹ lên đầu núm vú cũng sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả. Bởi lẽ trong sữa mẹ có chứa thành phần vitamin E và các chất kháng thể có tác dụng bảo vệ làn da, giúp các vết thương mau lành. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không bao giờ nên dùng dầu vitamin E để thoa lên núm vú vì như vậy sẽ khiến bé rất dễ bị ngộ độc.
- Nhiều chị em phụ nữ thường dùng túi trà để đắp lên núm vú với hi vọng vết thương sẽ mau lành hơn, tuy nhiên điều này thật sai lầm bởi trong trà có chứa chất tanin khiến vùng da ở vú bị se lại, khô hơn và càng dễ bị nứt hơn. Thay vào đó, để làm dịu cảm giác đau đớn bạn có thể dùng túi chườm ấm chườm lên núm vú. Các mẹ có thể tìm mua các loại túi chườm ngực để giảm đau đớn vùng ngực và núm vú.
- Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng nhiều tư thế khi cho bé bú, sao cho cả mẹ và bé đều cảm thật thoải mái, thông thường tư thế đơn giản nhất là cả bạn và bé cùng nằm nghiêng, bé quay mặt vào ti mẹ. Nếu bé ngậm đầu vú không đúng, hãy dùng ngón tay út đưa vào miệng bé đến khi bé nhả ra. Việc cho bé ngậm hết quầng vú có thể làm mẹ nản lòng lúc đầu nhưng nếu không kiên nhẫn, bé sẽ chỉ ngậm đúng đầu vú khi bú thì chắc chắn bạn sẽ bị đau đớn, “nứt cổ gà” sau này.
- Tránh dùng xà bông, cồn, mỹ phẩm hay nước hoa ở vú. Bạn nên tránh sử dụng những loại mỹ phẩm kể trên bởi nó có thể gây ngộ độc cho bé. Trong trường hợp bạn có sử dụng chúng thì cần phải tắm rửa và lau thật sạch núm vú trước khi cho bé bú.
- Dùng thuốc giảm đau: Nếu cảm giác đau đớn không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau trước khoảng 30 phút khi cho bé bú. Tuy nhiên về việc lựa chọn loại thuốc giảm đau nào và liều lượng cũng như cách sử dụng ra sao bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Việc lau vú bằng nước ấm sau khi cho con bú cũng có tác dụng phòng “nứt cổ gà”.
- Nên hạn chế mặc áo lót. Điều này rất quan trọng vì núm vú được tiếp xúc với không khí, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn (thường phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, yếm khí).
Lưu ý:
- Nếu đã thử nhiều cách mà tình hình vẫn không cải thiện bạn nên tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
- Một khi núm vú đã bị nứt, bạn nên điều trị ngay và hạn chế cho bé bú kẻo vết thương ngày càng đứt rộng. Để tiếp tục duy trì nguồn sữa trong khi điều trị, bạn hãy vắt sữa thường xuyên vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Chỉ đến khi thực sự khỏi (vết thương đã kín miệng và lên da non) bạn mới nên cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.
- Nếu bạn bị đau, nứt nẻ hay chảy máu đầu vú, hoặc bạn thấy xuất hiện một số nốt trắng ở đầu vú, hoặc trên miệng bé, hãy đến bác sĩ ngay lập tức.
Với chia sẻ trên đây, hi vọng các mẹ có thể hiểu rõ về hiện tượng nứt cổ gà khi cho con bú để có biện pháp phòng tránh, xử lý kịp thời, hạn chế được đau đớn cho mẹ và bảo vệ được nguồn sữa cho con. Chúc các mẹ luôn vui !